5.19.2008
Câu chuyện những ngôi nhà của Bác Hồ
Tuổi Trẻ Online ngày 18/5/2008
TT- - TT - Ngày 15-10-1954, sau khi quân ta tiến vào thủ đô được năm ngày, Bác bí mật vào Hà Nội và tạm dừng chân ở nhà thương Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Trung ương quân đội 108). Lúc này việc chọn cho Bác một chỗ ở riêng được các đồng chí lãnh đạo đặt ra và trao đổi nhiều lần.
ADVERTISEMENT
Nhưng các biệt thự đẹp, sang trọng ở dọc các phố Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Nguyễn Gia Thiều, Lý Nam Đế... lần lượt có chủ mới. Đó là những cán bộ cấp cao từ chiến khu mới về.
Chọn chỗ của người thợ điện
Trong những ngày ở nhà thương Đồn Thủy, nghe báo cáo về một số dư luận không hay lắm về việc nhà cửa có liên quan đến một vài cán bộ cấp cao, Bác tâm sự với một đồng chí bên cạnh: "Người ta ai cũng muốn có nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con khôn, ăn mặc sung sướng nhưng những cái đó dù sao cũng chỉ là nhất thời, còn tiếng xấu thì còn lại muôn đời, lưu truyền mãi mãi...".
Cuối cùng, Bộ Chính trị cũng quyết định đưa Bác về ở và làm việc tại dinh toàn quyền cũ, ngôi nhà to đẹp nhất nước lúc bấy giờ.
Ngày 15-12-1954, nhân đến thăm bộ đội diễn tập duyệt binh để chuẩn bị tham gia đón Trung ương Đảng và Chính phủ về thủ đô, Bác cùng các đồng chí giúp việc ghé vào thăm nhà mới được phân. Ai cũng nghĩ ngôi nhà này thật sự xứng đáng với Bác. Nhưng một bất ngờ đã xảy ra. Sau khi xem xét cả trong lẫn ngoài, Bác nói với các đồng chí đi cùng: "Ngôi nhà rất đẹp, không thua kém những công trình đẹp nhất ở thủ đô Paris. Các chú cần có kế hoạch quét dọn, sửa chữa để dùng vào việc khác, ví dụ như làm nơi vui chơi cho các cháu thiếu nhi chẳng hạn, còn Bác thì dứt khoát không ở đây".
Sau khi xem xét một số ngôi nhà ở khu vực xung quanh, Bác quyết định chọn chỗ ở cho mình là ngôi nhà cấp bốn của người thợ điện.
Ngày 19-12-1954, nhân kỷ niệm tám năm ngày Hà Nội nổ súng mở đầu kháng chiến toàn quốc, từ nhà thương Đồn Thủy Bác dọn đến nơi mới. Đây là căn nhà mái bằng cách nhà sàn hiện nay khoảng 100m. Nó đã bỏ không khá lâu, hình như là từ sau Hiệp định Genève được ký kết, trong đó có qui định quân Pháp phải rút khỏi Hà Nội sau ba tháng. Do đó mà quanh nhà và lối đi cây và cỏ dại đã mọc đầy.
Bộ phận văn phòng khẩn trương dọn dẹp, làm vệ sinh, nặng nhất là phải cùng nhau khiêng cái máy nổ đang nằm chềnh ềnh chính giữa nhà, dầu mỡ chảy lênh láng, đen kịt, bốc mùi rất khó chịu. Anh em bảo vệ, công vụ, văn phòng nhìn nhau ngao ngán. Bác nhìn thấy nỗi thất vọng của mọi người liền vui vẻ động viên: "Các chú chỉ cần hăng hái làm "cách mạng" trong một ngày là cải tạo xong thôi. Chúng ta sẽ có một chỗ ở đàng hoàng gấp trăm ngàn lần cán bộ và nhân dân hiện nay đang ở".
Chỉ một thời gian ngắn, cảnh vật xung quanh ngôi nhà đã thay đổi hẳn. Con đường vào nhà được rải sỏi. Bác cho trồng hai hàng dâm bụt hai bên đường. Tuy nhiên, do nhà đổ mái bằng nên mùa hè rất nóng, còn mùa đông thì lạnh giá, ánh sáng mặt trời không đủ cho Bác làm việc. Khoảng hơn 3g chiều đã phải thắp đèn. Các đồng chí lãnh đạo mỗi lần đến làm việc rất băn khoăn về nơi ở và làm việc của Bác, nhiều lần đề nghị Bác chuyển nơi khác nhưng Bác vẫn giữ ý kiến của mình. Bác nói với các đồng chí phục vụ: "Hãy nhìn nhân dân sống như thế nào để mà sống cho phù hợp. Sống phù hợp với nhân dân mới hiểu được nhân dân".
Không làm quá to, không dùng gỗ tốt
Bác thỉnh thoảng có đến thăm vài gia đình cán bộ ở những khu biệt thự to trên dưới mười phòng, trang hoàng lộng lẫy như vua chúa ngày xưa, bóng điện từ ngoài cổng cho đến trong nhà có đến vài chục ngọn. Mỗi lần đến thăm như thế, lúc ra về Bác tự nói với mình và cũng muốn cho các đồng chí phục vụ ngồi bên nghe thấy: "Trong lúc nhân dân, cán bộ còn rất nghèo khổ, khó khăn, có gia đình hàng chục nhân khẩu chen chúc trong một căn hộ hơn chục mét vuông mà họ sống trong những biệt thự như vậy mà vẫn phởn phơ, vô cảm. Thật không chịu nổi". Có lần đến thăm như thế, khi ra cửa Bác hỏi chủ nhà: "Nhà nhiều bóng đèn như thế này có hôm nào quên tắt không?".
Sau hơn bốn năm sống và làm việc ở ngôi nhà người thợ điện, sau này là "nhà 54", ngày 18-5-1958 Bác chuyển sang ở ngôi nhà sàn, cũng ở ngay trong khuôn viên Phủ chủ tịch.
Thời gian thi công nhà sàn là thời gian Bác đi công tác nước ngoài trong vòng một tháng. Trước khi đi Bác cho gọi kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh đến căn dặn là phải tiết kiệm, không làm quá to, không dùng gỗ tốt. Tầng dưới nhà sàn sẽ là nơi dùng để họp Bộ Chính trị và tiếp khách quí. Xung quanh làm một hàng ghế ximăng sát tường để dành cho các cháu thiếu nhi mỗi lần Bác mời vào vui chơi với Bác.
Ngôi nhà có hai tầng. Từ tầng một lên tầng hai bằng chiếc cầu thang gỗ 14 bậc. Tầng hai được ngăn làm hai phòng, mỗi phòng khoảng 9m2, một phòng làm việc, một phòng ngủ. Trong phòng làm việc có 1 bàn, 1 ghế và 1 giá sách sát tường chia làm nhiều ô để đựng tài liệu và sách báo. Phòng ngủ có một chiếc giường rộng 1,2m. Bốn góc giường cắm bốn cọc gỗ để mắc màn. Phía đầu giường có hai chiếc gối, một để gối ngủ, còn một để chồng lên gối ngủ cho đầu cao lên mỗi khi Bác đọc sách. Bên cạnh gối là chiếc quạt lá cọ. Bác bảo là để dự phòng khi mất điện hoặc khi đi ra ngoài. Hơn nữa, Bác nói thỉnh thoảng cũng cần phải cho quạt điện nghỉ để dùng được lâu.
Ngôi nhà sàn của Bác đã trở thành một di tích lịch sử quí hiếm, một tài sản tinh thần vô giá đối với các thế hệ mai sau. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng viết: "Cái nhà sàn của Bác vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng và trong lúc tâm hồn của Bác lộng gió thời đại thì cái nhà nhỏ đó luôn luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn. Một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao".
Đại tá THẾ KỶ
(Người giúp việc cho ông VŨ KỲ - thư ký của Bác Hồ)
5.13.2008
Chuyện treo cờ ở dinh độc lập ngày 30/4/1975
Tấm ảnh lịch sử của Francoise Dmulde: Xe 390 húc văng 2 cánh cổng chính, còn xe 843 bị kẹt lại ở cổng phụ. Bùi Quang Thuận nhảy xuống xe (mũi tên) cầm cờ chạy vào Dinh độc lập.
9 giờ ngày 30/4/1975, sau khi đại đội xe tăng chúng tôi bắn cháy chiếc xe M48 của địch trên cầu Sài Gòn, toàn đơn vị đã vượt cầu nhằm hướng Dinh Độc Lập lao tới...
Thú thật lúc ấy tôi cũng chưa biết Dinh Độc Lập nằm ở đâu. Tôi nhớ lại trước đó, tại khu tập kết chiến dịch trong rừng cao su miền Đông, Chính ủy Lữ đoàn Bùi Văn Tùng giao nhiệm vụ cho chúng tôi trên bản đồ du lịch Sài Gòn, căn dặn: “Qua cầu Thị Nghè, đến ngã tư thứ tư thì rẽ trái chạy thẳng, sẽ tới Dinh Độc Lập”.
Vượt qua cầu Sài Gòn, chúng tôi tập trung cao độ quan sát từng góc chết của các khu nhà, những con hẻm, ngách phố, lăm lăm súng đạn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu cao độ, đề phòng sự chống trả của địch...
Đến ngã tư Hàng Xanh, xe tôi rẽ trái. Đi trước là một xe của Đại đội 3 do đồng chí Hùng làm trưởng xe. Tôi phát hiện hai xe M41 của địch ở phía trước trên cầu, chưa kịp xử lý tình huống thì một quầng lửa trùm lên xe của Hùng. Xe Đại đội 3 bốc cháy, Hùng bị thương. Pháo thủ xe tôi đã kịp thời nổ súng bắn cháy cả hai xe M41 của địch ngay tại cầu.
Sau này tôi mới biết, đây là cầu Thị Nghè. Sau khi đưa Hùng và các thành viên trong xe bị thương vào nhà dân gửi tạm, tôi ra lệnh cho xe tiếp tục tiến. Chúng tôi không nhớ mình đã vượt qua bao nhiêu ngã ba, ngã tư để đến trước một công viên có nhiều cây xanh.
Tôi ra lệnh dừng xe, và nhảy ra đứng dưới lòng đường. Từ phía trước, một phụ nữ đi xe máy lao tới. Tôi ra hiệu cho xe dừng lại, nhưng chiếc xe vẫn lao đi như không biết đến cử chỉ của tôi. Trong óc tôi thoáng nghĩ nhanh đây là cơ hội hiếm hoi để hỏi đường. Ngón tay cái tôi hạ phanh chốt an toàn khẩu súng mang theo người, nổ ba phát chỉ thiên. Như đoán được tôi cần gì, chiếc xe máy phanh gấp chững lại. Trước mắt tôi, một phụ nữ khoảng ngoài ba mươi tuổi, mặt mày tái mét. Tôi nói nhẹ nhàng:
- Chị chỉ hộ tôi đường vào Dinh Độc Lập.
- Tôi chỉ xong ông cho tôi đi chứ? - Người phụ nữ vừa nói vừa run.
- Vâng, nói xong, chị hoàn toàn tự do - Tôi khẳng định.
- Ông đang đứng trước Dinh Độc Lập đó - chị nói mà không dám chỉ tay - nó bên trong những cây kia.
Suốt chặng đường tiến vào Dinh Độc Lập, xe tăng 843 do tôi trực tiếp làm trưởng xe luôn dẫn đầu, tiếp sau là xe 390 của Chính trị viên đại đội Vũ Đăng Toàn. Xe tăng 843 tiến đến trước hàng rào Dinh Độc Lập húc thẳng vào cổng phụ bên cạnh cổng chính và khựng lại. Ngay sau đó xe 390 xông lên húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập. Cánh cổng sắt bung ra, xe tôi cũng lao vào theo. Trong Dinh Độc Lập vẫn không thấy có phản ứng gì. Tôi đoán bọn địch đã bỏ chạy.
Nhớ đến nhiệm vụ mà Chính ủy Lữ đoàn đã giao là đơn vị nào vào trước có trách nhiệm cắm cờ và bắt nội các Dương Văn Minh, tôi liền giao lại quyền chỉ huy xe cho đồng chí Thái Bá Minh (là pháo thủ). Tôi rút cần ăngten của xe, trên có lá cờ Mặt trận giải phóng.
Tôi chỉ kịp nói với các thành viên trên xe: “Nếu 10 phút nữa không thấy tôi ở cột cờ thì còn một viên đạn nữa bắn nốt vào Dinh”. Tay phải tôi cầm lá cờ quấn vào cần ăngten chạy thẳng vào Dinh Độc Lập. Lên đến cầu thang, tôi mới cảm thấy lạnh sườn, vì đi một mình, trong tay không có vũ khí. Lúc này, lựu đạn, súng ngắn, AK tôi đều để lại trên xe.
Nhưng để chớp thời cơ, tôi lao thẳng lên tầng 2. Tại căn phòng, từ phía bên phải cầu thang, tôi thấy có người. Tôi lao vào phòng, đầu đập vào cửa kính trong suốt bị choáng, ngã ngồi xuống ngay trước cửa. Trong chốc lát, tôi tỉnh lại, thấy một nhân viên của chính quyền Sài Gòn ra mở cửa, tôi mới biết căn phòng được ngăn bằng cửa kính. Tôi nói gấp:
- Cho gặp Dương Văn Minh ngay.
- Vâng, vâng... Để tôi vào báo tổng thống.
Một lát sau, Dương Văn Minh ra. Tôi quát: “Cho người dẫn tôi lên cột cờ” vừa để trấn áp viên tổng thống. Dương Văn Minh gọi tên nhân viên gặp tôi lúc trước bảo dẫn tôi lên cột cờ.
Tôi được đưa đến trước căn phòng có hai cánh cửa sắt. Người dẫn đường ấn nút điện, hai cánh cửa dẹp về hai phía, bên trong hiện ra một khoang giống như thùng sắt đựng lúa của nông dân.
- Mời ông vào trước.
Tôi nghiêm mặt nhìn người dẫn đường đầy ngờ vực. Như đoán được suy nghĩ của tôi, người dẫn đường giải thích: “Thưa ông, đây là cầu thang máy, lên cho nhanh”. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ, tôi có biết thang máy thế nào đâu. Tôi nói: “Ông vào trước đi, nhớ quay mặt vào trong”. Người dẫn đường đi vào, tôi vào theo.
Tôi có cảm giác được nâng lên. Cánh cửa thang máy mở ra, nhìn thấy cột cờ, tôi lao thẳng đến, kéo dây hạ cờ ba sọc - biểu tượng của chính thể Việt Nam cộng hòa xuống. Do dây buộc quá chặt, cứ khoảng 20cm lại có một móc sắt, tôi lần gỡ được hai móc, sốt ruột quá liền dùng răng cắn mép trên xé rách lá cờ. Lúc này trên sân Dinh Độc Lập, xe tăng bộ binh ta đã tràn vào.
Tôi rút lá cờ Mặt trận giải phóng ở cần ăngten ra buộc vào, kéo lên. Lá cờ bay phần phật trên nóc Dinh Độc Lập trong bầu trời ngập nắng của thành phố Sài Gòn. Rồi tôi hạ cờ xuống, lấy bút máy Trường Sơn mang theo ghi vào góc dưới lá cờ dòng chữ: “11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, bên dưới ghi thêm chữ Thận" rồi lại kéo lá cờ lên. Còn lá cờ của chính quyền Sài Gòn, tôi gấp lại, đem xuống nhét vào hòm kính xe tăng. Sau này giao lại cho cán bộ bảo tàng nhà nước.
Lát sau, tôi thấy trong sân Dinh Độc Lập, ngoài đường phố, bộ đội, nhân dân, cả rừng người, rừng cờ, rừng hoa đang hân hoan đón chào chiến thắng. Việc cắm cờ trên Dinh Độc Lập tôi không làm thì đồng đội, đồng bào của tôi sẽ làm. Riêng với bản thân mình, tôi cảm ơn lịch sử đã ban cho tôi một cơ hội được góp một phần sức lực của mình trong việc giành lại hòa bình độc lập, tự do của dân tộc.
5.11.2008
10 năm đồng euro
Ngày 1.6.1998, 12 quốc gia tại châu Âu đã đồng thuận về việc sử dụng một đồng tiền chung có tên gọi là euro, với hy vọng đó sẽ là đồng tiền mạnh và mang tính ổn định trên toàn cầu. Sắp đến các quốc gia trong khu vực sử dụng đồng euro sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm xuất hiện đơn vị tiền tệ này.
Hiện có 15 quốc gia sử dụng euro làm đồng tiền chính thức: Áo, Bỉ, Phần Lan, Pháp, Đức, Ireland, Ý, Luxembourg, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Slovenia, Cyprus và Malta.
Ngân hàng Trung ương châu Âu được thành lập ngày 1.6.1998. Đồng euro được phát hành vào ngày 1.1.1999 dưới dạng tiền điện tử. Đồng euro chính thức thay thế cho tiền tệ của các nước tham gia vào ngày 1.1.2002.
Tạ Xuân Quan
(Theo BBC)
5.04.2008
Đẳng cấp tình báo Việt Nam
Chúng tôi có may mắn được gặp nhiều nhà tình báo lão thành lừng danh của chúng ta. Đó là ông Hai Trung (Phạm Xuân Ẩn), ông Ba Quốc (Đặng Trần Đức), ông Sáu Trí (Nguyễn Đức Trí), ông Tư Cang (Nguyễn Văn Tào), ông Mười Nho (Nguyễn Xuân Mạnh), ông Ba Minh (Nguyễn Văn Minh), ông Ba Lễ (Nguyễn Văn Lễ) và một số người khác. Báo Thanh Niên đã đăng nhiều loạt ký sự dài kỳ về những chiến công kỳ diệu và những phẩm chất tuyệt vời của họ.
Còn rất nhiều người khác, trong đó có những huyền thoại tình báo, chúng tôi chưa được gặp. Nhưng chỉ với chừng ấy người được tiếp cận, đối chiếu với những gì mà chúng tôi được biết về lịch sử tình báo thế giới, có thể khẳng định đẳng cấp của ngành tình báo cách mạng nước ta không hề thua kém bất cứ nước nào.
Hơn hai mươi năm giữ an toàn tuyệt đối trong lòng địch, tiếp cận và phân tích tất cả những kế hoạch, những âm mưu, thủ đoạn quan trọng nhất của Mỹ trong suốt cuộc chiến tranh để cung cấp cho tổng hành dinh kháng chiến, khó có một nhà tình báo đông tây kim cổ nào hoàn hảo, lý tưởng như Phạm Xuân Ẩn.
Ngang nhiên ở giữa cơ quan tình báo trung ương của đối phương để tả xung hữu đột, làm những chuyện kinh thiên động địa, trong đó có việc báo về tổng hành dinh danh sách 42 ổ gián điệp địch cài ở miền Bắc để xóa sạch chúng, làm trong sạch hậu phương, kỳ tài như ông Ba Quốc ít ai bì kịp.
Hầu như thức trắng suốt một năm rưỡi để kịp chép bằng tay tất cả những tài liệu chiến tranh hàng ngày gửi đến gửi đi của Tổng Tham mưu trưởng quân đội đối phương, đến nỗi hỏng cả hai mắt, cường độ chịu đựng của ông Ba Minh chỉ có thể gọi là phi phàm...
Đó chỉ là một số trong rất nhiều chuyện có thể dẫn chứng.
Nhưng tất cả những người mà chúng tôi đã gặp ai cũng thật thà khiêm tốn, ai cũng bảo "tôi chỉ góp một chút nhỏ xíu thôi, ông kia công mới lớn". Thiên hạ thường đổ lỗi cho nhau, còn ở đây, trong cái ngành thầm lặng tuyệt đối này, ai cũng "đổ công" cho người khác. Theo chúng tôi, trong những di sản của ngành tình báo mà lớp cha chú để lại cho thế hệ sau này, đây cũng là một di sản vô giá. Nó không chỉ vô giá đối với các chiến sĩ tình báo mà vô giá đối với bất kỳ ai làm việc trong một tập thể.
Sự độc đáo ưu việt của ngành tình báo cách mạng Việt Nam. Sự ưu việt đó là, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, các điệp viên, cơ quan tình báo và cấp trên đều có một mục tiêu nhất quán: giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng của mình, đem lại sự bình yên, cường thịnh cho đất nước.
Ông Phạm Xuân Ẩn có lần nói với chúng tôi: Một thông tin tình báo do điệp viên gửi về, dù điệp viên đó giỏi đến đâu, thông tin có chính xác đến đâu, cũng chỉ có 50% giá trị. 50% giá trị còn lại là sự sáng suốt của cấp trên. Là người ngoài ngành, chúng tôi rất lâu mới hiểu ý nghĩa lời ông Ẩn nói. Ông Ẩn không hề coi thường sự tài giỏi và chính xác của tình báo Mỹ, nhưng ông coi thường những "cấp trên" của tình báo Mỹ, vì họ dùng tin để phục vụ những mục đích chính trị của phe phái. Ông Ẩn bảo hồi Mậu Thân không phải tình báo Mỹ không có những tin tức quan trọng, nhưng những tin tức đó đã bị Tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn bóp méo đi nhằm phục vụ cho ý đồ của hành pháp che mắt Quốc hội Mỹ. Và loạt bài Đưa ra ánh sáng vụ bê bối tình báo lớn nhất Mỹ - Đức mà Thanh Niên đang đăng tải mấy hôm nay, là bằng chứng mới nhất của việc sử dụng thông tin tình báo giả tạo để làm cái cớ tấn công Iraq. Nói như vậy để thấy sự độc đáo ưu việt của ngành tình báo cách mạng Việt Nam. Sự ưu việt đó là, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, các điệp viên, cơ quan tình báo và cấp trên đều có một mục tiêu nhất quán: giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng của mình, đem lại sự bình yên, cường thịnh cho đất nước.
Ngành tình báo của chúng ta đã sản sinh ra những nhà tình báo vĩ đại tầm cỡ thế giới và để lại những di sản, những truyền thống quý giá. Đó là sức mạnh quốc phòng, là sức mạnh của dân tộc. Theo : TNO-Hoàng Hải Vân đăng lại Theo QĐND Olinecuối tuần ngày 25/3/2008.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)