1.31.2008

Nền kinh tế hydrogen: Con đường còn xa?

(Xuân 2008) - Trong cuốn sách "Hòn đảo thần bí" (Paris, 1874), văn hào Jules Verne đã viết: "… một ngày nào đó nước sẽ được xử dụng như nguồn nhiên liệu, và hydrogen sẽ cung cấp một nguồn nhiệt và ánh sáng vô tận….". Thật vậy, biến nước thành nguồn năng lượng thì còn gì bằng, và đó là giấc mơ bao đời của các nhà khoa học!
Đốt H2 chỉ tạo ra nhiệt và nước; kết hợp H2 và O2 trong một pin nhiệt điện (fuel cell) tạo ra điện, nhiệt và nước. Nếu H2 thay thế được xăng dầu, mọi vấn đề năng lượng và môi trường của trái đất cơ bản được giải quyết. Từ đó, người ta nhắc đến một nền "kinh tế hydrogen"! Thật ra, những mẫu xe hơi hydrogen đã có mặt từ thế kỷ 19. Trong nhiều thập kỷ qua, cơ quan NASA của Mỹ đã chọn đốt H2 để phóng các phi thuyền, vệ tinh… vào không gian. Tại vài thành phố, một số xe buýt chạy bằng H2 đã được đưa vào đưa đón khách. Năm 2003, chính phủ Mỹ đầu tư 1.3 tỉ đô la riêng cho một chương trình nghiên cứu khoa học về năng lượng H2; các nước Nhật, Liên minh Âu châu… cũng đã đầu tư lớn vào nghiên cứu cơ bản về H2 và kích thích hợp tác giữa các đại học với các hãng xe hơi. Cuối tháng 11/2007, hãng Honda thông báo vừa hoàn thành kiểu xe "2008 Honda FCX Clarity" chạy bằng pin nhiệt điện hydrogen, và dự tính sẽ sản xuất thử 100 chiếc xe trong ba năm tới. Như vây, câu hỏi được đặt ra là năng lượng hydrogen đang ở đâu?. Trở ngại chính là hydrogen không có sẵn như xăng dầu (fossil oil). Chất H2 không tồn tại trên/trong trái đất, mà phải được sản xuất ra trước khi đưa vào xử dụng. H2 có thể được tách ra từ nước, xăng dầu, khí thiên nhiên, hay các hợp chất chứa nhiều hydrogen… Điều khó là với kiến thức khoa học và kỹ thuật hiện nay, vẫn phải dùng nhiều năng lượng để sản xuất ra nó. Có nơi sản xuất H2 từ xăng dầu ở một nơi hẻo lánh rồi chuyển đến nơi xử dụng; có nơi sử dụng năng lượng hạt nhân để tách nước… Giải pháp nào cũng gặp những vấn đề nan giải, làm cho H2 không luôn là một nguồn năng lượng tái tạo, sạch, tôn trọng môi trường sống… Nhìn chung, việc sử dụng năng lương hydrogen đang gặp những vấn đề sau: sản xuất (như trên), tồn trữ (ở thể khí, dưới áp suất cao), chuyên chở, phân phối (cơ sở hạ tầng tốn kém và nguy hiểm), và sử dụng (chưa có pin nhiệt điện thích ứng). Vì khó đi vào chi tiết của các yếu tố trên trong bài viết ngắn này, nên chỉ có thể nói rằng tất cả làm cho giá năng lương H2 quá đắt, hoàn toàn không kinh tế. Điểm chốt hiện nay là khó khăn trong việc đưa H2 vào xe hơi hay các phương tiện giao thông. Hãng Honda không thông báo giá thành thật sự của xe mẫu FCX Clarity, song các chuyên gia đã ước tính giá không dưới một triêu đô la cho mỗi xe. Các mẫu xe hydrogen của các hãng xe hơi khác đều không rẽ hơn. Thêm vào đó, xe chạy không an toàn khi phải mang bình chứa khí H2 dưới áp suất lớn.Một hướng nghiên cứu khoa học để giải quyết các khó khăn trên là đi tìm một cách {tồn trữ hydrogen bằng hóa học} (chemical hydrogen storage). Nói nôm na là tìm một hợp chất hóa học có chứa H2, và chất này có thể tạo ra H2 bằng một phản ứng hóa học đơn giản, và sau khi được tạo ra, H2 được chuyển trực tiếp vào pin nhiệt điện để tạo ra năng lượng. Hợp chất hóa học có thể ở thể lỏng hay thể rắn, phải có nồng độ H2 cao, dễ bảo quản, không nguy hiểm khi tồn trữ trong xe, chuyên chở hay phân phối. Phản ứng hóa học tạo ra H2 là một phản ứng không cần nhiều nhiệt, có thể với sự hỗ trợ của môt chất xúc tác không đắt tiền. Điểm không kém quan trọng là chất hóa học ban đầu có thể được tái tạo bằng một qui trình sản xuất không quá phức tạp. Hiện nay, nhiều nhóm nghiên cứu đang tập trung vào chất ammonia borane (BH3NH3) và những chất thế mang liên kết B-N, để tìm hợp chất hóa học ban đầu. Một bài báo gần đây với tựa đề "Phải chăng chúng ta sắp chạy xe hơi bằng ammonia borane?" ("Will we soon be fueling our automobiles with ammonia borane?", của tác giả T. B. Marder, trên tạp chí hóa học Angewandte Chemie, 46, 8116 (2007)) phác họa một triển vọng trong hướng nghiên cứu này (ít ra các nhóm nghiên cứu đã thấy một hướng đi…). Có lẽ tác giả trên hơi lạc quan, vì con đường dẫn đến một nền kinh tế hydrogen vẫn còn xa lắm. Nhưng cũng như mọi phát minh và phát kiến khoa học, khó ai nói trước được rằng ai, khi nào và ở đâu… sẽ tìm ra được một hợp chất hóa học thoả mãn được các yêu cầu ghi trên, và đươc sản xuất với giá thật rẻ. Sẽ có một ngày điều tiên đoán của Jules Verne ít nhiều thành hiện thực, vì con người không thể tiếp tục phát triển với một nền kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào xăng dầu!
GS. Nguyễn Minh Thọ (Đại học Leuven, Bỉ)

1.28.2008

Lộ trình đầy hứa hẹn nhưng cũng đầy sóng gió



Lao Động Xuân 2008 Cập nhật: 6:57 AM, 27/01/2008
Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, VN sẽ vượt qua thử thách, khó khăn để đi lên.
(Xuân 2008) - Con thuyền kinh tế VN đã một năm tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và vẫn đang lướt trên đại dương toàn cầu với lộ trình đầy hứa hẹn và cũng không ít sóng gió bao quanh.

Sau một năm gia nhập WTO, chúng ta đã thấy vững tin hơn và đã có thêm nhiều kinh nghiệm cho quá trình hội nhập quốc tế.

Chúng ta tin vào tương lai tốt đẹp của dân tộc bởi chúng ta có những thế mạnh. VN có một nguồn lực lao động dồi dào và tràn đầy sức trẻ. Người VN có tinh thần hiếu học, ham hiểu biết, cần cù, sáng tạo trong lao động và xử lý các vấn đề về công nghệ cũng như trong quan hệ xã hội. Một dân tộc năng động, sáng tạo, chịu khó tìm tòi, ham làm giàu… thì sẽ thành công trong một thế giới đang biến động hàng ngày, hàng giờ. Sức sống mới của dân tộc VN đang được khơi dậy bởi nhiều động lực to lớn, đó là sự mở cửa hội nhập với thế giới.

VN nằm ở khu vực kinh tế đang phát triển hết sức năng động với nhiều quan hệ kinh tế cởi mở và hợp tác toàn diện. Khu vực lòng chảo Châu Á – TBD là khu vực phát triển rất sôi động cả về kinh tế, cả về những lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Một khu vực kinh tế phát triển năng động như vậy sẽ tạo ra các dòng chảy của tư bản, của hàng hóa, của nguồn nhân lực và các nhu cầu của con người…

Những dòng chảy của các yếu tố nói trên sẽ là những luồng gió mạnh đẩy con thuyền kinh tế VN tăng tốc. Trong xu thế toàn cầu hóa mạnh mẽ hiện nay vị thế địa lý của VN có thể coi là một lợi thế so sánh để chúng ta mở rộng các hoạt động kinh doanh và các dịch vụ. Đất nước ta được thiên nhiên ban cho nhiều nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng có thể khai thác phục vụ tốt cho nhu cầu tăng trưởng tốc độ cao.

Địa hình của VN bao hàm núi cao, vùng đồng bằng rộng, bờ biển rất dài. Đặc biệt, vùng thềm lục địa nước ta có nhiều khả năng tàng chứa một nguồn dầu mỏ trữ lượng cao… Với nguồn tài nguyên phong phú như vậy, nếu biết khai thác và sử dụng hợp lý sẽ tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho xã hội. Chúng ta còn có rất nhiều nguồn lực tinh thần, trí tuệ để chuẩn bị cho sự hình thành và phát triển nền kinh tế tri thức trong tương lai.

Nền văn hóa VN với bốn nghìn năm lịch sử để lại nhiều giá trị tinh thần, giá trị nhân văn cao cả. Chúng ta có nhiều di tích lịch sử, nhiều danh lam thắng cảnh tạo ra những nguồn tài nguyên du lịch, tài nguyên văn hóa dồi dào. Những cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc VN đã để lại bao nhiêu chiến công với nhiều dấu ấn lịch sử sâu sắc. Đó là những giá trị tinh thần vô giá góp phần làm nên nền tảng của nền kinh tế tri thức. Chúng ta có một hệ thống chính trị ổn định, vững chắc.

Sự ổn định và liên tục phát triển của hệ thống chính trị là điều kiện quan trọng để tạo ra sự hấp dẫn của môi trường kinh doanh, hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro của các hoạt động đầu tư. Với những thế mạnh như vậy, không có trở ngại nào có thể kìm hãm sự phát triển của đất nước theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tuy vậy, con đường đi lên của dân tộc ta cũng không chỉ có hoa thơm và trái ngọt, mà còn có nhiều chông gai và sóng gió. Xin nêu một số thử thách mà trước mắt chúng ta cần phải vượt qua:

Nền kinh tế của ta đã tụt hậu quá xa với nền kinh tế thế giới và nền kinh tế ở các nước trong khu vực. Hiện nay thu nhập quốc dân (GDP) bình quân trên đầu người của chúng ta chưa đạt con số 700USD. Con số này còn thấp so với các nước trong khu vực nếu như tốc độ tăng trưởng GDP của ta khoảng 8% và tốc độ tăng dân số khoảng 1,8 – 2% một năm thì tốc độ tăng GDP đầu người của chúng ta chỉ đạt khoảng 5 – 6% một năm. Với tốc độ như vậy thì còn nhiều năm nữa chúng ta mới đạt được mức thu nhập GDP bình quân đầu người của một số nước xung quanh.

Chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, bản vị đang chi phối tư tưởng, hành động của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý và một bộ phận quần chúng nhân dân. Ở đâu có nhiều người chỉ biết đến quyền lợi cá nhân mà quên quyền lợi chung thì ở đó xuất hiện rất nhiều mâu thuẫn, xung đột và có thể cả những khủng hoảng. Từ chủ nghĩa cá nhân dẫn đến nhiều biểu hiện tiêu cực trong đời sống xã hội như chủ nghĩa cơ hội, thói nịnh hót, tệ cục bộ, vây cánh, các hiện tượng cửa quyền, tham ô, hối lộ. Chủ nghĩa cá nhân làm biến dạng, thậm chí có thể làm đảo lộn nhiều giá trị xã hội, nó có thể làm cho hệ thống chính trị của chúng ta trì trệ và sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc bị xói mòn, đặc biệt nó làm cho các nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội bị cạn kiệt.

Chúng ta đang bị sức ép cạnh tranh từ bên ngoài vô cùng quyết liệt. Các tập đoàn kinh tế nước ngoài tìm mọi cách để chiếm lĩnh thị trường của chúng ta, thu hẹp khoảng không gian kinh doanh đối với các doanh nghiệp VN. Hàng hóa do các công ty trong nước sản xuất chỉ chiếm một tỉ trọng khiêm tốn trong tổng số khối lượng hàng hóa được tiêu thụ ở VN. Sức ép cạnh tranh đã làm cho nhiều DN VN bị phá sản hoặc bị hút vào các DN lớn hơn. Ngoài ra, các thế lực thù địch luôn luôn áp dụng nhiều thủ đoạn và biện pháp thâm độc để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, kìm hãm sự phát triển của VN.

Quá trình toàn cầu hóa kinh tế cũng tạo ra nhiều sức ép rất lớn về mặt văn hóa – xã hội. Toàn cầu hóa kinh tế tuy mang lại nhiều phương diện và điều kiện để phát triển kinh tế nhưng nó cũng gây ra nhiều hiệu ứng tiêu cực về mặt xã hội và văn hóa. Trước hết là quá trình toàn cầu hóa thúc đẩy nhiều nhu cầu của xã hội tăng lên cao hơn nhiều so với tổng các giá trị xã hội.

Một bộ phận thanh niên do chạy theo những nhu cầu mới, lối sống lai căng… đã thoát ly khỏi nhiều chuẩn mực đạo đức xã hội truyền thống. Và do chạy theo những nhu cầu, thị hiếu tầm thường, không lành mạnh nên bộ phận lớp trẻ đó đã trở thành xa lạ với lý tưởng cộng sản, với lý tưởng thẩm mỹ và với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Từ đó dần dần sa đọa về lối sống và thực hiện các hành vi tội lỗi.

Điều quan trọng nhất là mỗi người VN cần phải ý thức được lòng tự tôn dân tộc, phải biết lo lắng đối với vận mệnh quốc gia và phải biết làm những gì vì lợi ích chung của nhân dân. Mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cương vị khác nhau phải cố gắng để hoàn thành những trọng trách được giao. Và chúng ta hãy cố gắng đừng làm điều gì tổn hại đến lợi ích quốc gia dân tộc. Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, VN sẽ vượt qua thử thách, khó khăn để đi lên.

PGS-TS Lê Ngọc Tòng

1.25.2008

Bản đồ cổ ở London chứng tỏ Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam

Một bằng chứng về chủ quyền hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, từng được nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải phát hiện trong một tấm bản đồ cổ, do chính tác giả Trung Quốc Xa Khâu Từ Diên Húc ở đời Thanh biên soạn.

Tiền phong đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phúc Giác Hải về câu chuyện nêu trên.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải
Ông Nguyễn Phúc Giác Hải kể: “Việt Nam địa dư đồ” là một tấm bản đồ cổ do tác giả Trung Quốc Xa Khâu Từ Diên Húc - một vị quan đời Thanh biên soạn. Trong tấm bản đồ này, lần đầu tiên Trung Quốc dùng hai chữ Việt Nam để gọi tên nước ta. Không hiểu lịch sử biến thiên thế nào mà tấm bản đồ quý ấy lại lưu lạc sang tận châu Âu, trở thành tài sản của thư viện Vương quốc Anh.

Một lần sau khi đặt chân tới thủ đô London, tôi tìm đến thư viện này, và sau nhiều thủ tục, cuối cùng tôi cũng được cầm tận tay “Việt Nam địa dư đồ”.

- Tấm bản đồ đó đề cập đến Hoàng Sa và Trường Sa như thế nào, thưa ông?

- “Việt Nam địa dư đồ” được bảo quản cực kỳ cẩn thận, bên ngoài là một hộp giấy bọc vải lụa màu xanh nước biển, bên trong là tấm bản đồ giấy bản được bồi trên lụa.

Tấm bản đồ có kích thước 103 x 62cm. Đối với những tài liệu này, bảo tàng quy định chỉ có thể ngồi đọc trước mặt thủ thư và không được mang máy ảnh hay camera vào. Phải dùng bút chì để ghi chép chứ không được sử dụng các phương tiện khác, vì có thể làm ảnh hưởng đến một bảo vật đã có hàng trăm năm.

Tấm bản đồ này được vẽ theo lối hiện đại, có ghi các tỉnh của nước ta thời Nguyễn như Cao Bằng, Tuyên Quang, Sơn Tây, Quảng Yên, Nam Định, Thanh Hóa, Phú Xuân... Đặc biệt, bản đồ vùng biển có những hàng chữ rất quan trọng “Tiểu Trường Sa hải khẩu”, “Đại Trường Sa hải khẩu”...

- Nghĩa là “Tiểu Trường Sa hải khẩu” và “Đại Trường Sa hải khẩu” nằm trong “Việt Nam địa dư đồ”?

- Theo tôi được biết không có bản đồ cổ Trung Quốc nào ghi hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ở trong đó.

Việc người Trung Quốc ghi những dòng“Tiểu Trường Sa hải khẩu” và “Đại Trường Sa hải khẩu”trong “Việt Nam địa dư đồ” thể hiện một điều chắn chắc rằng triều đình Mãn Thanh – Trung Quốc đã thừa nhận ở Việt Nam có hai hải khẩu đi ra hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Mặc nhiên, họ thừa nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Bởi vì theo một số nhà bản đồ học, tiểu Trường Sa chính là quần đảo Hoàng Sa, còn đại Trường Sa là quần đảo Trường Sa hiện nay.

Ở vùng biển Trung Quốc không có những hải khẩu này. Họ cũng thừa nhận hai quần đảo này là do Việt Nam quản lý. Điều này đặc biệt giá trị ở chỗ nó được thể hiện trên tấm bản đồ do chính một vị quan to nhà Thanh vẽ.

- Cảm ơn ông!

Theo TPO

Người Trung Quốc từng nộp thuế cho chúa Nguyễn khi đi qua quần đảo Hoàng Sa

Có một tài liệu quan trọng khác thể hiện chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đó là cuốn “Hải ngoại kỷ sự” được viết theo kiểu nhật ký của nhà sư Thích Đại Sán ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Nhà sư Thích Đại Sán được chúa Nguyễn mời vào thăm Đàng Trong với vai trò vận động triều đình Mãn Thanh công nhận triều Nguyễn. Trong chuyến đi bằng đường biển đó, Thích Đại Sán có ghi lại trong “Hải ngoại kỷ sự” một chi tiết rất giá trị:

Khi thuyền của ông đi qua quần đảo Hoàng Sa thì phải nộp thuế cho chúa Nguyễn. Điều đó thể hiện một sự thật hiển nhiên rằng, thời đó Hoàng Sa đã thuộc chủ quyền của nhà Nguyễn và người Trung Quốc đã phải nộp thuế cho chúa Nguyễn khi đi qua quần đảo này.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải
Theo Quân đội nhân dân điện tử ngày 10/01/2008.

1.06.2008

Độc đáo nhà Trăm Cột

Ngôi nhà Trăm Cột danh tiếng ở Long An tồn tại ngót hơn 100 năm, ẩn chứa nhiều điều chưa được "giải mã".

Công trình công phu

Từ TP Hồ Chí Minh theo quốc lộ 50, đi chừng 40 cây số, qua thị trấn huyện Cần Đước (Long An) rồi rẽ trái vượt phà kinh Nước Mặn là bạn đã đến ấp Cầu Ngang, xã Long Hựu Đông, nơi có ngôi nhà Trăm Cột. Nói là trăm cột chứ thực ra có đến 120, trong đó có 68 cột tròn và 52 cột vuông.

Nhà được xây dựng từ năm 1898 đến 1903, do nhóm 15 thợ Huế thực hiện bằng chất liệu chủ yếu là các loại gỗ quý như cẩm lai, mun, gõ đỏ... Với lối kết cấu kiến trúc kiểu xuyên trính (người dân vùng Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế gọi là xuyên trến - PV) - một kiểu thức xây dựng lốinhà rường miền Trung của các gia đình giàu có thời xưa. Nhà Trăm Cột tọa lạc trên diện tích 882m2, mái ngói âm dương, nền đôn cao gần 1m bằng đá hộc, mặt nền lát bằng gạch nung hình lục giác.

Chủ nhân căn nhà này là ông Trần Văn Hoa - một phú hộ đã qua đời từ lâu và căn nhà này hiện do cháu nội của ông là ông Trần Văn Ngộ cùng vợ là bà Trần Thị Ngõ trông giữ và "kiêm" luôn việc "biết gì nói đó"! Nhà chia thành 2 phần chính: phần trước là nơi thờ tự và tiếp khách, phần sau là nơi nghỉ ngơi, chỗ đặt lẫm lúa, nhà kho. Hai bên hông nhà là hai dãy hiên nối liền từ trước ra sau, tạo nên khối kiến trúc cổ kính và vững chắc. Kết nối toàn bộ căn nhà này dựa vào các loại mộng gỗ như mộng vuông, mộng chữ nhật, đặc biệt là mộng mang cá, và dĩ nhiên là không tìm thấy một cây... đinh hay các vật liệu bằng sắt thép nào. Kỹ thuật lắp ghép cực kỳ chính xác gần như tuyệt đối này đương nhiên phải là những nghệ nhân thuộc vào hàng "cao thủ" mới làm được.

Áp sát các hàng cột ngăn phần thờ tự với phần tiếp khách hoặc bao quanh nhà là một kiệt tác độc đáo về chạm trổ điêu khắc bằng gỗ. Bằng kỹ thuật chạm lộng, chạm nổi, chạm bong kênh... các nghệ nhân phô diễn cảm xúc sáng tạo thể hiện qua các mô-típ cổ điển như: cảnh tứ quý (long, lân, quy, phụng); tứ thời (mai, lan, cúc, trúc); phúc, lộc, thọ cho đến các loài vật, cây trái đậm chất Nam Bộ như: dơi, nai, chim, trái bình bát, măng cụt, mãng cầu, xoài, đu đủ. Có thể nói nhà Trăm Cột là một tác phẩm dân dụng mang tính thẩm mỹ độc đáo, có một không hai ở vùng đất Nam Bộ, vẫn còn nguyên vẹn cho đến ngày nay.

"Dấu chỉ" thách đố!

Hơn một thế kỷ trước, lúc mới 22 tuổi, ông Trần Văn Hoa đã không tiếc công sức, tiền của lặn lội từ miền đất hoang vu đầy chất phù sa Long An ra đến tận kinh thành Huế, ăn dầm, nằm dề cố tìm và mời cho bằng được nhóm thợ Huế vào miền Nam để tạo ra một kiệt tác độc đáo này. Có lẽ vì vậy mà để thách đố hậu thế, ông Trần Văn Hoa và nhóm thợ Huế đã để lại "dấu chỉ'', đó là việc cố tình bỏ sót không chạm khắc hai đầu kèo cuối cùng bên phải của gian sau, khiến cho những người đến tham quan hoặc tìm hiểu nhà Trăm Cột vẫn còn "nhức đầu" vì chưa giải mã được về sự "vụng về" này. Đây cũng là một đặc điểm độc đáo ở nhà Trăm Cột. Bởi theo tìm hiểu của chúng tôi, việc thách đố này là một "đòn cân não" khá thú vị và rất phổ biến của các nghệ nhân thuộc hạng thượng thừa người miền Trung thường lưu dấu ở các công trình kiến trúc để đời mà họ thực hiện, nhằm tìm những người cùng "đẳng cấp" để trao đổi thêm về nghề nghiệp hoặc đơn giản là kết bạn tâm giao.

Với những nét độc đáo như vậy, năm 1997 Bộ Văn hóa - Thông tin đã công nhận nhà Trăm Cột là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Hiện ngôi nhà này bắt đầu xuống cấp, rất cần được tôn tạo.

Bùi Chiến