Sau một năm gia nhập WTO, chúng ta đã thấy vững tin hơn và đã có thêm nhiều kinh nghiệm cho quá trình hội nhập quốc tế.
Chúng ta tin vào tương lai tốt đẹp của dân tộc bởi chúng ta có những thế mạnh. VN có một nguồn lực lao động dồi dào và tràn đầy sức trẻ. Người VN có tinh thần hiếu học, ham hiểu biết, cần cù, sáng tạo trong lao động và xử lý các vấn đề về công nghệ cũng như trong quan hệ xã hội. Một dân tộc năng động, sáng tạo, chịu khó tìm tòi, ham làm giàu… thì sẽ thành công trong một thế giới đang biến động hàng ngày, hàng giờ. Sức sống mới của dân tộc VN đang được khơi dậy bởi nhiều động lực to lớn, đó là sự mở cửa hội nhập với thế giới.
VN nằm ở khu vực kinh tế đang phát triển hết sức năng động với nhiều quan hệ kinh tế cởi mở và hợp tác toàn diện. Khu vực lòng chảo Châu Á – TBD là khu vực phát triển rất sôi động cả về kinh tế, cả về những lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Một khu vực kinh tế phát triển năng động như vậy sẽ tạo ra các dòng chảy của tư bản, của hàng hóa, của nguồn nhân lực và các nhu cầu của con người…
Những dòng chảy của các yếu tố nói trên sẽ là những luồng gió mạnh đẩy con thuyền kinh tế VN tăng tốc. Trong xu thế toàn cầu hóa mạnh mẽ hiện nay vị thế địa lý của VN có thể coi là một lợi thế so sánh để chúng ta mở rộng các hoạt động kinh doanh và các dịch vụ. Đất nước ta được thiên nhiên ban cho nhiều nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng có thể khai thác phục vụ tốt cho nhu cầu tăng trưởng tốc độ cao.
Địa hình của VN bao hàm núi cao, vùng đồng bằng rộng, bờ biển rất dài. Đặc biệt, vùng thềm lục địa nước ta có nhiều khả năng tàng chứa một nguồn dầu mỏ trữ lượng cao… Với nguồn tài nguyên phong phú như vậy, nếu biết khai thác và sử dụng hợp lý sẽ tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho xã hội. Chúng ta còn có rất nhiều nguồn lực tinh thần, trí tuệ để chuẩn bị cho sự hình thành và phát triển nền kinh tế tri thức trong tương lai.
Nền văn hóa VN với bốn nghìn năm lịch sử để lại nhiều giá trị tinh thần, giá trị nhân văn cao cả. Chúng ta có nhiều di tích lịch sử, nhiều danh lam thắng cảnh tạo ra những nguồn tài nguyên du lịch, tài nguyên văn hóa dồi dào. Những cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc VN đã để lại bao nhiêu chiến công với nhiều dấu ấn lịch sử sâu sắc. Đó là những giá trị tinh thần vô giá góp phần làm nên nền tảng của nền kinh tế tri thức. Chúng ta có một hệ thống chính trị ổn định, vững chắc.
Sự ổn định và liên tục phát triển của hệ thống chính trị là điều kiện quan trọng để tạo ra sự hấp dẫn của môi trường kinh doanh, hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro của các hoạt động đầu tư. Với những thế mạnh như vậy, không có trở ngại nào có thể kìm hãm sự phát triển của đất nước theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tuy vậy, con đường đi lên của dân tộc ta cũng không chỉ có hoa thơm và trái ngọt, mà còn có nhiều chông gai và sóng gió. Xin nêu một số thử thách mà trước mắt chúng ta cần phải vượt qua:
Nền kinh tế của ta đã tụt hậu quá xa với nền kinh tế thế giới và nền kinh tế ở các nước trong khu vực. Hiện nay thu nhập quốc dân (GDP) bình quân trên đầu người của chúng ta chưa đạt con số 700USD. Con số này còn thấp so với các nước trong khu vực nếu như tốc độ tăng trưởng GDP của ta khoảng 8% và tốc độ tăng dân số khoảng 1,8 – 2% một năm thì tốc độ tăng GDP đầu người của chúng ta chỉ đạt khoảng 5 – 6% một năm. Với tốc độ như vậy thì còn nhiều năm nữa chúng ta mới đạt được mức thu nhập GDP bình quân đầu người của một số nước xung quanh.
Chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, bản vị đang chi phối tư tưởng, hành động của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý và một bộ phận quần chúng nhân dân. Ở đâu có nhiều người chỉ biết đến quyền lợi cá nhân mà quên quyền lợi chung thì ở đó xuất hiện rất nhiều mâu thuẫn, xung đột và có thể cả những khủng hoảng. Từ chủ nghĩa cá nhân dẫn đến nhiều biểu hiện tiêu cực trong đời sống xã hội như chủ nghĩa cơ hội, thói nịnh hót, tệ cục bộ, vây cánh, các hiện tượng cửa quyền, tham ô, hối lộ. Chủ nghĩa cá nhân làm biến dạng, thậm chí có thể làm đảo lộn nhiều giá trị xã hội, nó có thể làm cho hệ thống chính trị của chúng ta trì trệ và sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc bị xói mòn, đặc biệt nó làm cho các nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội bị cạn kiệt.
Chúng ta đang bị sức ép cạnh tranh từ bên ngoài vô cùng quyết liệt. Các tập đoàn kinh tế nước ngoài tìm mọi cách để chiếm lĩnh thị trường của chúng ta, thu hẹp khoảng không gian kinh doanh đối với các doanh nghiệp VN. Hàng hóa do các công ty trong nước sản xuất chỉ chiếm một tỉ trọng khiêm tốn trong tổng số khối lượng hàng hóa được tiêu thụ ở VN. Sức ép cạnh tranh đã làm cho nhiều DN VN bị phá sản hoặc bị hút vào các DN lớn hơn. Ngoài ra, các thế lực thù địch luôn luôn áp dụng nhiều thủ đoạn và biện pháp thâm độc để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, kìm hãm sự phát triển của VN.
Quá trình toàn cầu hóa kinh tế cũng tạo ra nhiều sức ép rất lớn về mặt văn hóa – xã hội. Toàn cầu hóa kinh tế tuy mang lại nhiều phương diện và điều kiện để phát triển kinh tế nhưng nó cũng gây ra nhiều hiệu ứng tiêu cực về mặt xã hội và văn hóa. Trước hết là quá trình toàn cầu hóa thúc đẩy nhiều nhu cầu của xã hội tăng lên cao hơn nhiều so với tổng các giá trị xã hội.
Một bộ phận thanh niên do chạy theo những nhu cầu mới, lối sống lai căng… đã thoát ly khỏi nhiều chuẩn mực đạo đức xã hội truyền thống. Và do chạy theo những nhu cầu, thị hiếu tầm thường, không lành mạnh nên bộ phận lớp trẻ đó đã trở thành xa lạ với lý tưởng cộng sản, với lý tưởng thẩm mỹ và với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Từ đó dần dần sa đọa về lối sống và thực hiện các hành vi tội lỗi.
Điều quan trọng nhất là mỗi người VN cần phải ý thức được lòng tự tôn dân tộc, phải biết lo lắng đối với vận mệnh quốc gia và phải biết làm những gì vì lợi ích chung của nhân dân. Mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cương vị khác nhau phải cố gắng để hoàn thành những trọng trách được giao. Và chúng ta hãy cố gắng đừng làm điều gì tổn hại đến lợi ích quốc gia dân tộc. Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, VN sẽ vượt qua thử thách, khó khăn để đi lên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét