9.24.2008

Ngày 2 tháng 9 năm 1945 ở Sài gòn

Lao Động số 202 Ngày 03/09/2008 Cập nhật: 7:44 AM, 03/09/2008
(LĐ) - Tôi có vinh dự được nhiều lần theo đoàn cán bộ, nhân dân Long An đi thăm Giáo sư (GS) Trần Văn Giàu nhân các ngày lễ, tết, ngày mừng thọ ông.

Dù tuổi cao, sức yếu (ông sinh năm 1911), nhưng lần nào ông cũng nhiệt tình trò chuyện với những người đến thăm. Mỗi lần, khi nhắc về ngày lễ Độc lập 2.9.1945, ông hào hứng hẳn lên, như quên đi tuổi già...

Vào thời điểm 2.9.1945 ông là Bí thư Xứ uỷ Nam Kỳ, Chủ tịch Uỷ ban Khởi nghĩa Nam Bộ, Chủ tịch Uỷ ban Hành chính lâm thời (UBHCLT) Nam Bộ. Trước đó, ngày 25.8.1945 ông và các đồng chí đã lãnh đạo nhân dân Sài Gòn khởi nghĩa giành chính quyền thành công.

Ông cho biết, ngày 31.8.1945 T.Ư điện vào cho biết vào lúc 2 giờ chiều ngày 2.9, tại Hà Nội, Chính phủ lâm thời nước VNDCCH sẽ ra mắt quốc dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đọc Tuyên ngôn Độc lập. UBHCLT Nam Bộ quyết định tổ chức lễ Độc lập tại Sài Gòn vào đúng thời điểm đó để nghe trực tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập truyền đi từ Hà Nội. Chỉ có hơn 1 ngày chuẩn bị, UBHCLT Nam Bộ đã tổ chức được một cuộc míttinh, diễu hành lớn chưa từng thấy ở Sài Gòn.

Hàng triệu người dân TP và các địa phương lân cận đã tập trung trước nhiều giờ trên đại lộ Cộng Hoà (nay là đại lộ Lê Duẩn) để chờ giờ khai lễ. Cả TP tràn ngập màu cờ cách mạng và các khẩu hiệu "Nước VNDCCH muôn năm", "Độc lập hay là chết", "Đả đảo thực dân Pháp"... viết bằng 5 thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Hoa, Nga. Thế nhưng, thời điểm khai mạc lễ Độc lập ở Hà Nội đã trôi qua 30 phút mà Sài Gòn vẫn không bắt được tín hiệu radio (sau này mới biết do thời tiết ngày hôm ấy quá xấu, phương tiện kỹ thuật lạc hậu, nên không bắt được sóng).

Ban tổ chức hội ý chớp nhoáng và phân công ông Trần Văn Giàu thay mặt UBHCLT Nam Bộ phát biểu trước đồng bào. Đây là nội dung nằm ngoài dự kiến. Ông Trần Văn Giàu suy nghĩ vài phút, ghi vội mấy ý chính rồi ứng khẩu bài diễn văn trước hàng triệu người dân TP. Ông kêu gọi nhân dân đoàn kết xung quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mưu đồ của thực dân Pháp.

Sáng hôm sau, báo chí ở Sài Gòn đăng toàn văn hoặc trích đăng bài phát biểu của ông, trong đó có đoạn như: "VN từ một nước thuộc địa đã trở thành một nước độc lập... VN đang tiến bước trên con đường sống". Sau đó, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - Bộ trưởng Bộ Y tế - đã thay mặt Chính phủ lâm thời nước VNDCCH tuyên thệ "Xây dựng độc lập hoàn toàn cho VN".

Đại diện nhân dân Sài Gòn đã đọc tiếp lời thề: Không đi lính cho Pháp - không làm việc cho Pháp - không bán lương thực cho Pháp - không dẫn đường cho Pháp! Giọng của GS Trần Văn Giàu bỗng chùng xuống khi kể phần cuối của lễ Độc lập: Thực dân Pháp từ trên các nhà lầu cao đã bắn lén vào các đoàn tuần hành, làm 47 đồng bào chết và bị thương, tuy vậy ta rất kềm chế, chỉ tạm giữ những kẻ tình nghi, không có bất cứ hành động đánh đập hay trả thù.

Đánh giá về ngày lễ Độc lập ở Sài Gòn, GS Trần Văn Giàu cho rằng, khát vọng độc lập suốt gần 100 năm đã làm cho cả triệu người như một, hừng hực ý chí chiến đấu, hy sinh cho vận mệnh đất nước.
GS Trần Văn Giàu cho biết, thực dân Pháp đã gây hấn ngay trong ngày lễ Độc lập ở Sài Gòn; những ngày sau, chúng càng khiêu khích trắng trợn.

Việc gì đến rồi cũng đến, chưa đầy 1 tháng sau UBHCLT Nam Bộ đã buộc phải lãnh đạo nhân dân Nam Bộ bước vào cuộc kháng chiến mùa thu, khởi đầu cho cuộc kháng chiến 9 năm gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược trên cả nước. Sau ngày hoà bình lập lại trên một nửa đất nước, cuộc đời của vị Chủ tịch UBHCLT Nam Bộ đã rẽ sang hướng khác: Nghiên cứu lịch sử, triết học, dạy học...

Ở lĩnh vực mới này, ông cũng gặt hái nhiều thành công: Trở thành Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động, giải thưởng HCM với hàng loạt những công trình, tác phẩm rất có giá trị.

Giáo sư Trần Văn Giàu vừa hiến tặng toàn bộ kho sách, tư liệu trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, với hàng chục ngàn cuốn sách quý cho Bảo tàng tỉnh Long An - quê hương ông. Trước đó, ông đã dành phần lớn tài sản vật chất của mình để thành lập Giải thưởng Trần Văn Giàu - giải thưởng dành cho các công trình lịch sử của vùng đất Nam Bộ. Ông không có con, vợ ông đã qua đời cách đây mấy năm. Ông đang sống trong tình yêu thương, sự chăm sóc của nhân dân TPHCM - nơi 63 năm trước ông đã có bài diễn văn đáng nhớ trước hàng triệu đồng bào.
Kỳ Quan

Không có nhận xét nào: