3.23.2008

NHỮNG THÀNH TỰU CỦA 10 NĂM ASEM

Hội nghị cấp cao Á - Âu lần thứ 6 (ASEM-6) diễn ra tại Helsinki thủ đô của Phần Lan với sự tham dự của hầu hết các nhà lãnh đạo 39 quốc gia thành viên, gồm 13 nước châu Á, 25 nước Liên hiệp châu Âu (EU) và Ủy ban châu Âu (EC). Chủ đề bao trùm của Hội nghị Thượng đỉnh lần này là: “10 năm ASEM: Thách thức toàn cầu - Một tiếng nói chung”. Đây là dịp để các nước thành viên nhìn lại những thành tựu của ASEM trong 10 năm qua, định hướng cho tương lai những năm tới, nhất là sự ứng phó hiệu quả hơn của các nước châu Á và châu Âu trước những thách thức của toàn cầu hóa.







Dưới đây là một số nét khái quát về các hoạt động hợp tác và các thành tựu đạt được của ASEM kể từ khi thành lập tới nay



1. Hợp tác trong lĩnh vực chính trị:

ASEM đã trở thành nơi mà các nước châu Á và châu Âu có thể thảo luận về các vấn đề chính trị quan trọng theo phương thức không đối đầu. Các hoạt động trọng tâm của hợp tác chính trị bao gồm:

- Củng cố hệ thống đa phương trong đó Liên hợp quốc đóng vai trò trung tâm để giải quyết các tranh chấp quốc tế và các thách thức toàn cầu. Nổi bật trong chương trình nghị sự của ASEM là việc cải cách Liên hợp quốc. Các vấn đề cụ thể được thảo luận là các mục tiêu thiên niên kỷ và xây dựng hoà bình. Các thành viên ASEM cũng đã tổ chức các cuộc hội đàm trước các phiên họp Đại Hội đồng của Liên hợp quốc để trao đổi quan điểm về những vấn đề liên quan.

- Thúc đẩy sự phát triển trong khu vực và quốc tế: Các vấn đề khu vực và quốc tế quan trọng thường được thảo luận tại các cuộc họp của ASEM. Sau khi xem xét, đánh giá kỹ lưỡng, ASEM sẽ đưa ra các tuyên bố chính trị. Ví dụ tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 3 năm 2000, các thành viên ASEM đã đưa ra tuyên bố Seoul về vấn đề hoà bình cho bán đảo Triều Tiên, khẳng định lại sự ủng hộ của mình đối với quá trình hợp tác và hòa giải trên bán đảo Triều Tiên. Lập trường quan điểm này đã được tái khẳng định tại Hội nghị thượng đỉnh ASEM năm 2002 và 2004.

- Hợp tác về an ninh và chống khủng bố: Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế đã trở thành một vấn đề được ưu tiên trong ASEM. Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEM 4 năm 2002, các bên đã thông qua Tuyên bố về hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố và Chương trình hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố, nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Liên hợp quốc trong việc đương đầu với chủ nghĩa khủng bố và sự cần thiết phải nhận biết và loại trừ những vấn đề gốc rễ của chủ nghĩa khủng bố. Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao tháng 5/2005, các Bộ trưởng đã kêu gọi các nước phê chuẩn và thực hiện 12 công ước và nghị định thư về chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Thêm vào đó, một loạt các cuộc hội thảo về chống khủng bố đã được tổ chức.

ASEM cũng cam kết không phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt. Tại cuộc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao tháng 7/2003, các Bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố chính trị về việc ngăn ngừa phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt, tái khẳng định lại tầm quan trọng của việc thực hiện các nghị định thư và công ước quốc tế liên quan.

- Giải quyết các vấn đề môi trường: Môi trường là một chủ đề ngày càng được quốc tế quan tâm. Các thành viên ASEM đã thảo luận về các vấn đề môi trường trọng yếu như tương lai của Nghị định thư Tôkyô, sự thay đổi về khí hậu và kế hoạch tiếp theo Hội nghị cấp cao thế giới về phát triển bền vững. Tại Hội nghị Bộ trưởng về môi trường vào tháng 10/2003, các thành viên đã nhấn mạnh rằng ASEM nên thường xuyên triển khai các cuộc thảo luận và đàm phán giữa các bên về vấn đề môi trường.

- Thảo luận các vấn đề về nhân quyền: ASEM đã phát triển một diễn đàn nơi mà các vấn đề nhạy cảm như quyền con người có thể được thảo luận. Hàng loạt cuộc hội thảo không chính thức trong ASEM về nhân quyền đã diễn ra từ năm 1997. Các vấn đề được nhấn mạnh bao gồm cách tiếp cận sự công bằng, sự khác biệt về giá trị giữa châu Á và châu Âu, tự do ngôn luận, quyền dân chủ, tự do tín ngưỡng, bảo hộ lao động, bảo vệ quyền lợi của người di cư và dân tộc thiểu số.

- Đối phó với những mối đe doạ toàn cầu: Trong những năm gần đây, ASEM đã bàn bạc và tìm cách đối phó với những mối đe doạ toàn cầu như tội phạm xuyên quốc gia, di cư, tắc nghẽn giao thông và đặc biệt là nạn buôn bán ma tuý, phụ nữ và trẻ em, bên cạnh đó là các vấn đề liên quan đến sức khoẻ như đấu tranh phòng chống HIV/AIDS và các loại dịch bệnh. Một số sáng kiến đã được thực hiện nhằm trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ thông tin giữa các nước thành viên trong quá trình giải quyết các mối đe doạ này.



2. Hợp tác trong lĩnh vực kinh tế tài chính

Với vị thế là hai khu vực kinh tế quan trọng của thế giới, châu Á và châu Âu đã đạt được rất nhiều thành quả thông qua đối thoại và hợp tác trong lĩnh vực kinh tế tài chính giữa các nước thành viên. Các hoạt động hợp tác bao gồm:

Thúc đẩy chủ nghĩa kinh tế đa phương: Một trong những ưu tiên chính trong hoạt động của ASEM là bổ sung và hỗ trợ cho các nỗ lực nhằm củng cố hệ thống thương mại đa phương mở và có quy tắc được thể hiện trong WTO. ASEM cung cấp một môi trường trong đó các bên có thể thảo luận về các vấn đề của WTO như các vấn đề liên quan đến Chương trình nghị sự phát triển Doha, với mục tiêu đạt được quan điểm chung. Các vấn đề liên quan đến WTO luôn được ưu tiên trong các cuộc họp thượng đỉnh và cuộc họp cấp Bộ trưởng của ASEM

Thúc đẩy thương mại và đầu tư: Hội nghị thượng đỉnh ASEM 2 năm 1998 đã thông qua Chương trình hành động thuận lợi hoá thương mại (TFAP) nhằm mục tiêu giảm thiểu và xoá bỏ các hàng rào thương mại phi thuế quan. Hội nghị cũng thông qua Chương trình hành động xúc tiến đầu tư (IPAP) để thúc đẩy dòng đầu tư hai chiều giữa châu Á và châu Âu, xây dựng các chương trình nhằm khuyếch trương đầu tư giữa các nước thành viên, đồng thời tăng cường cải thiện cơ chế chính sách và quy định về đầu tư trong khu vực. Thêm vào đó, hợp tác trong việc phát triển thương mại điện tử cũng đạt được nhiều tiến bộ. Hội nghị thương mại điện tử ASEM 4 năm 2005 đã xác định các hướng gia tăng thương mại, đầu tư bằng việc sử dụng công nghệ mạng.

Tăng cường đối thoại về các vấn đề tài chính: Đối thoại tài chính trong ASEM chủ yếu tập trung vào các vấn đề kinh tế vĩ mô thông qua việc rà soát thường xuyên tình hình kinh tế toàn cầu và sự phát triển tài chính ở cả hai khu vực. Các Bộ trưởng tài chính kêu gọi một diễn đàn đối thoại về các vấn đề các bên cùng quan tâm, bao gồm cấu trúc tài chính quốc tế, các nguyên tắc và quy định giám sát trong lĩnh vực tài chính, việc chống rửa tiền và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hải quan.

Quản lý khủng hoảng: Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã ảnh hưởng không chỉ tới nền kinh tế châu Á mà còn tác động tới toàn thế giới. Để đối phó với tình hình này, Hội nghị thượng đỉnh ASEM 2 năm 1998 đã đưa ra hai sáng kiến. Trước hết là thông qua cam kết thương mại và đầu tư ASEM, thể hiện quyết tâm chung nhằm chống lại bất kỳ áp lực nào của chủ nghĩa bảo hộ có thể phát sinh từ các cuộc khủng hoảng. Thứ hai là thành lập Quỹ tín thác ASEM (ATF) tại Ngân hàng Thế giới nhằm cung cấp tài chính cho các chương trình trợ giúp kỹ thuật hỗ trợ cho các nước bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính.

Thúc đẩy đối thoại trong khu vực doanh nghiệp: Hợp tác kinh tế giữa châu Á và châu Âu sẽ không trọn vẹn nếu thiếu sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp. Kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh ASEM lần thứ nhất năm 1996, Diễn đàn doanh nghiệp Á – Âu (AEBF), gồm đại diện chính phủ và các nhà doanh nghiệp tầm cỡ ở cả hai khu vực đã được tổ chức hàng năm nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác trong cộng đồng doanh nghiệp và tăng cường mối liên kết giữa chính phủ và doanh nghiệp. AEBF đem lại cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp ở cả hai châu lục rà soát các vấn đề liên quan đến thương mại và đầu tư và tổng hợp ý kiến đề xuất lên các cuộc họp chính thức của ASEM.

Hướng tới quan hệ đối tác kinh tế chặt chẽ hơn: Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEM 5 năm 2004 đã thông qua Tuyên bố Hà Nội về quan hệ đối tác kinh tế Á – Âu chặt chẽ hơn nhằm nâng hợp tác Á – Âu lên tầm cao mới, thực chất và hiệu quả hơn, và kêu gọi các Bộ trưởng Tài chính tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác kinh tế. Trong lĩnh vực tài chính, các Bộ trưởng Tài chính đã đưa ra sáng kiến về Hợp tác kinh tế và tài chính chặt chẽ hơn thông qua tăng cường đối thoại chính sách, hỗ trợ kỹ thuật và khai phá những cách tiếp cận mới cho việc thắt chặt hơn nữa quan hệ A –Âu về lâu dài. Tiếp theo đó, các Bộ trưởng Tài chính đã thông qua một Cơ chế đối thoại nhằm đối phó với những trường hợp khẩn cấp về tài chính tại cuộc họp vào tháng 4/2006



3. Hợp tác trong lĩnh vực văn hoá xã hội

Đối thoại văn hóa và giao lưu giữa các nước thành viên là một phần không thể thiếu trong việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau trong ASEM. Hoạt động hợp tác của ASEM trong lĩnh vực văn hoá, xá hội tập trung vào các mảng sau:

- Thúc đẩy đối thoại về văn hoá và văn minh: Đối thoại về văn hóa và văn minh được coi là một trọng tâm trong hợp tác ASEM với mục tiêu nhằm tăng cường sự hiểu biết, giao lưu và hợp tác giữa các nền văn hóa và văn minh hết sức đa dạng của các nước thành viên ASEM. Hội nghị ASEM cấp Bộ trưởng về Văn hóa và Văn minh đầu tiên đã diễn ra từ ngày 3-4/12/2003 tại Bắc Kinh. Các thành viên ASEM đã nhất trí tăng cường hơn nữa đối thoại trong lĩnh vực quan trọng này và đã đề ra nhiều biện pháp cụ thể để triển khai sự hợp tác, trao đổi giữa các nền văn hóa, văn minh trong giai đoạn tiếp theo.

- Thúc đẩy đối thoại về tín ngưỡng: ASEM quan tâm tới việc thúc đẩy đối thoại về tín ngưỡng và tạo dựng sự hoà hợp giữa các tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau. Hội nghị ASEM về đối thoại tín ngưỡng lần đầu tiên được tổ chức tại Bali vào tháng 7/2005 đã hội tụ những người đứng đầu các tổ chức tôn giáo, các nhà trí thức, nhà báo từ các nước thành viên. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Bali về việc tạo dựng sự hoà hợp về tín ngưỡng trong cộng đồng quốc tế, khẳng định rằng hoà bình, công bằng, tình thương và sự khoan dung là những điều mấu chốt để tạo nên sự hoà hợp. Hội nghị cũng đã đưa ra các phương sách trong lĩnh vực giáo dục, văn hoá, truyền thông, tôn giáo và xã hội để thực hiện mục tiêu này.



- Thành lập Quỹ Á – Âu: Quỹ Á – Âu (ASEF) được thành lập tháng 2/1997 với mục tiêu tăng cường hiểu biết và giao lưu giữa nhân dân hai châu lục thông qua giao lưu về văn hoá, tri thức và con người. Quỹ được dựa trên sự đóng góp tự nguyện của các thành viên ASEM.

- Bên cạnh đó, ASEM còn tiến hành các hoạt động mở rộng hợp tác giáo dục giữa châu Á và châu Âu, tăng cường hợp tác về công nghệ thông tin giữa các nước thành viên…



Tóm lại, sự ra đời của ASEM là một mốc lịch sử, là động lực thúc đẩy mối quan hệ hợp tác nhiều mặt dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi. Sự phát triển trong một thập kỷ qua đã chứng minh việc thiết lập Diễn đàn là một quyết định rất đúng đắn. Ba trụ cột hợp tác của ASEM là kinh tế - thương mại, chính trị và văn hoá đều có những bước tiến triển đáng ghi nhận. Quan hệ hợp tác ASEM ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu, trong đó hợp tác kinh tế - thương mại được coi là mục tiêu hàng đầu. Các nước cũng đã tiến hành đối thoại trên tinh thần tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, góp phần củng cố hoà bình, thúc đẩy hợp tác vì mục tiêu phát triển, thiết lập một trật tự thế giới bình đẳng, công bằng. Mối quan hệ giữa hai khu vực Á-Âu đã và đang có ảnh hưởng ngày càng sâu sắc tới cục diện toàn cầu.



Trước tình hình thế giới có những thay đổi và biến động rất phức tạp so với 10 năm trước, ASEM đang đứng trước không ít thách thức cần phải thích ứng; phải khắc phục những tồn tại để củng cố và làm cho tiến trình hợp tác năng động, thực chất hơn nữa. Là một thành viên tích cực trong ASEM, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp nỗ lực của mình vào quá trình này để đưa hợp tác Á-Âu ngày càng phát triển nhanh và hiệu quả hơn.
UBQG (Quỳnh Anh -tổng hợp từ http://www.asem6.fi)Thứ 5: 16/11/2006

Không có nhận xét nào: