2.23.2008
Chiến dịch không vận bí mật thành công
Đăng lại Sự kiện và nhân chứng Thứ Năm, 16/08/2007, 10:20 (GMT + 7)
Ngày 9-8-1960, sĩ quan và binh lính yêu nước Lào do đại úy Coong-le chỉ huy làm đảo chính, lật đổ chính phủ phản động cực hữu. Ngày 14-8 năm đó, nhà vua Lào ban sắc lệnh bổ nhiệm Hoàng thân Xu-va-na Phu-ma lập Chính phủ mới. Sau đó, Quốc hội Lào với đa số phiếu thuận đã thông qua thành phần Chính phủ mới do Hoàng thân Xu-va-na Phu-ma làm Thủ tướng.
Tập đoàn phản động cực hữu Lào do tướng Phu-mi Nô-xa-vẳn cầm đầu âm mưu đánh chiếm lại thủ đô Viêng Chăn, hòng tiêu diệt lực lượng yêu nước, phá vỡ đoàn kết, hòa hợp dân tộc. Hoàng thân Xu-va-na Phu-ma, Thủ tướng Chính phủ hợp hiến vương quốc Lào đến gửi công hàm cho Chính phủ Liên Xô và Chính phủ ta đề nghị chi viện cho cuộc chiến đấu của nhân dân các bộ tộc Lào. Thể theo yêu cầu đó, Liên Xô quyết định phối hợp với Việt Nam lập cầu hàng không Liên Xô-Việt Nam-Lào.
Cuối thu 1960, đoàn không quân vận tải Liên Xô với 44 máy bay các loại đến hạ cánh sân bay Gia Lâm và Cát Bi. Thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, Việt Nam không những bảo đảm tốt cơ sở vật chất, kỹ thuật dưới đất cho cầu hàng không Liên Xô-Việt Nam-Lào mà còn đưa quân tình nguyện sang chiến đấu bên cạnh quân và dân các bộ tộc Lào anh em. Không quân vận tải còn rất non trẻ của ta, mới thành lập hơn một năm, cũng được huy động sang giúp Lào. Để chuẩn bị cho các lực lượng yêu nước, hòa bình, trung lập an toàn rút khỏi Viêng Chăn, tiến về giải phóng địa bàn chiến lược Cánh Đồng Chum, Bộ chỉ huy liên quân quyết định tổ chức lực lượng từ phía bắc tiến xuống phối hợp với mũi Viêng Chăn rút ra hình thành thế gọng kìm bao vây và đánh chiếm căn cứ địch ở Cánh Đồng Chum. Vấn đề cấp bách là phải nhanh chóng đưa sư đoàn Chiến Thắng đang xây dựng kinh tế ở Điện Biên Phủ sang tập kết tại Sầm Nưa để hiệp đồng tác chiến với bộ đội Pa-thét Lào. Bộ ra lệnh cho không quân khắc phục khó khăn, tổ chức không vận nhanh chóng Sư đoàn Chiến Thắng đến sân bay Sầm Nưa.
Sân bay Sầm Nưa do quân đội Pháp xây dựng chỉ có một đường băng đất cấp phối, ngắn, hẹp, bỏ hoang lâu năm. Tình hình sân bay ra sao, hạ cánh từ hướng nào không một ai nắm được. Tìm hồ sơ của không quân Pháp bỏ lại chỉ biết một vài điều sơ lược. Đó là sân bay đất, nằm trên độ cao hơn 500m so với mực nước biển, chung quanh là núi cao, vực sâu. Hạ cánh ở một sân bay mà các số liệu không biết chính xác, cụ thể, tịnh không hạn chế, trong khi đội bay còn ít kinh nghiệm là một việc làm mạo hiểm. Nhưng tình thế cấp bách, lãnh đạo và chỉ huy không quân quyết định cử một tổ bay tăng cường, kỹ thuật khá, bay đến thị sát và hạ cánh thử để trinh sát thực địa.
Sau khi nhận lệnh, trung đoàn không quân vận tải 919 liền cử tổ bay Nguyễn Doạt-Lê Nha. Đồng chí Doạt làm cơ trưởng, đồng chí Nha phụ lái, cả hai đều là phi công lái chính vừa được phê chuẩn tiêu chuẩn bay 300/3000 (tức hạ cánh với trần mây 300m tầm nhìn 3km).
7 giờ sáng ngày 11-12-1960, chiếc máy bay Li-2, số hiệu 198 cất cánh, nhằm thẳng hướng tây. Hơn một giờ sau, bay đến vùng trời Sầm Nưa, đồng chí Doạt lượn một vòng tìm sân bay. Toàn tổ căng mắt tìm kiếm. Hai đồng chí Doạt và Nha cùng một lúc phát hiện một vệt đất màu vàng nhạt trên một quả núi đất, trông chẳng khác gì một đoạn đường cụt. Đồng chí Doạt mở rộng vòng lượn, quan sát, không thấy nơi nào có vệt đất màu vàng như thế. Hoa tiêu Hoàng Cầm, kỹ thuật rất khá, khẳng định: đây là đường băng sân bay Sầm Nưa. Theo phương án được duyệt, đồng chí Doạt, có đồng chí Nha trợ giúp, cho máy bay hạ thấp dò độ cao thực tế của núi. Nhưng hạ đến độ cao 500m so với thực tế thì hoàn toàn bị núi che khuất, không còn nhìn thấy đường băng nữa. Núi đồi như bát úp dưới cánh bay. Phải lách qua một mỏm núi, đồng chí Doạt mới nhìn thấy đường băng. Anh liền vòng phải, đối chuẩn với đường băng từ hướng đông. Nhưng vừa cân bằng máy bay, đồng chí Nha đã chỉ cho anh một mỏm núi chắn ngang đường lướt xuống. Lại một lần nữa phải mạo hiểm lách núi. Lách xong, đồng chí Doạt thấy một đường băng hẹp và ngắn nhưng có một cái vực khá sâu chắn ngay ở đầu mút cuối đường băng. Anh phân vân, hạ cánh thành hay bại không chỉ là an toàn của tổ bay mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến toàn cục cuộc chiến đấu, rồi quyết hạ cánh bằng được! Qua vòng tay lái điều khiển, anh hiểu đồng chí Nha cũng rất quyết tâm. Vì phải tránh mỏm núi, nên góc lướt xuống hơi lớn, tốc độ tăng. Đồng chí Nha kịp thời phát hiện nhắc đồng chí Doạt giảm ngay cửa xăng, đồng thời đạp lái hướng làm trượt cạnh để giảm tốc độ. Bốn bề đều là đồi núi, đường băng như nằm lọt trong cái chảo lớn. Càng lướt xuống thấp, đồng chí Doạt càng nhận ra một điều khắc nghiệt: địa hình này chỉ cho phép hạ cánh một lần chính xác, không thể bay lên hạ cánh lần thứ hai vì có dãy núi khá cao chắn phía trước. Chỉ sơ sảy một chút, tiếp đất quá sâu, máy bay không thể tránh khỏi đâm xuống lòng vực. Áp lực ấy buộc đồng chí Doạt phải dồn hết tâm sức vào lấy tầm hạ cánh sao cho chính xác. Mặt đất dâng lên vùn vụt. Bình tĩnh và tự tin, đồng chí Doạt thu cửa ga. Máy bay như con đại bàng sà xuống, ba bánh chạm mặt đường băng, chỗ gần giáp mút. Đây mới là thành công bước đầu, cự ly đường băng còn lại liệu có đủ để hãm máy bay dừng lại trước miệng vực không? Anh liên tục phanh. Bỗng máy bay lạng sang bên trái, chúc xuống rồi chồm lên dữ dội. Đồng chí Doạt vừa phanh vừa đạp lái giữ hướng. Vượt qua cái rãnh khá rộng cắt ngang đường bay rồi máy bay lại lao về phía cuối đường băng. Bờ vực còn không xa. Anh phanh gấp khi thấy tốc độ chạy trượt đã giảm. Chiếc máy bay miễn cưỡng rùng mình dừng lại sát bên bờ vực. Toàn tổ bay hú vía!
Không nghỉ, toàn tổ phân nhau lao ngay vào đo đạc, trinh sát thực địa. Đường băng có đoạn chỉ rộng có 20m. Cái rãnh cắt ngang đường băng là con suối nhỏ đã cạn. Nhiều năm sân bay bị bỏ hoang, nước mưa làm xói lở, sập mất cống. Họ đang mải mê công việc thì có một ông già, tóc bạc trắng, chạy lại nhìn anh em chằm chằm rồi kêu lên sửng sốt:
- Giàng ơi! Đúng là phi công Việt Nam rồi! Không ngờ các anh lại hạ xuống được từ đầu đông có núi cao. Lão làm công chính ở đây mấy chục năm, chỉ thấy tàu bay Tây nó hạ xuống từ đầu tây núi thấp hơn mà thôi!
Đoạn ông cụ chỉ cho anh em xem 26 xác máy bay Pháp nằm chềnh ềnh dưới chân núi, lòng vực vì tai nạn hạ cất cánh. Những số liệu đo đạc trinh sát thực địa cùng kinh nghiệm bay thử mở đường của tổ bay Doạt-Nha được đưa ngay vào phương án kế hoạch không vận Sư đoàn Quyết Thắng.
Ngày hôm sau, đội công tác bảo đảm sân bay và điều hành không lưu được điều đến sân bay Sầm Nưa. Được cán bộ, học sinh, nhân dân thị xã Sầm Nưa và đồng bào dân tộc các bản làng xung quanh hăng hái giúp sức, đội bảo đảm sân bay đã sửa sang lại đường băng và san lấp xong cái rãnh cắt ngang đường băng chỉ trong có hai ngày.
Sân bay vừa báo tiếp thu, phân đội Li-2 của trung đoàn không quân 919 lập tức nối đuôi nhau cất cánh bay đến Điện Biên Phủ lấy quân rồi hướng đến Sầm Nưa. Lệnh chuyển quân bằng đường không vừa ban xuống, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn Chiến Thắng reo lên mừng rỡ.
Hai ngày đầu, phân đội Li-2 liên tục hạ cánh an toàn 60 lần/chiếc chuyển quân đến Sầm Nưa. Sau đó, đoàn không quân vận tải Liên Xô có tham gia để đẩy nhanh tốc độ chuyển quân nhưng bạn không nhất trí với ta kiểu bay lách núi và hạ cánh xuống sân bay Sầm Nưa mà vẫn dùng kỹ thuật hạ cánh theo vòng lượn chính quy nên đã xảy ra tai nạn. Một chiếc Li-2 đâm xuống suối do tiếp đất hạ cánh quá sâu, chạy bon đến hết đường băng vẫn không hãm lại được. Bạn không tiếp tục hạ cánh xuống sân bay Sầm Nưa nữa và khuyên ta không nên dùng Li-2 hạ cánh xuống Sầm Nưa. Do yêu cầu cấp bách của chiến trường, phân đội Li-2 của ta vẫn kiên quyết tiếp tục thực hiện 124 lần/chiếc hạ cánh chuyển quân đến Sầm Nưa an toàn. Cuộc chuyển quân thành công đã tạo nên mũi tiến công mạnh từ phía bắc cho chiến dịch tiến công thắng lợi Cánh Đồng Chum.
3 giờ sáng ngày 1-1-1961, Cánh Đồng Chum được giải phóng. 8 giờ sáng trong ngày, tổ bay Li-2 trinh sát mở đường do đồng chí Lê Nha làm cơ trưởng đã hạ xuống sân bay Cánh Đồng Chum giữa lúc sân bay đang ngùn ngụt khói lửa, xe pháo địch ngổn ngang bên cạnh đường băng, mùi thuốc súng khét lẹt xộc vào buồng lái. Và đâu đó khá gần, súng vẫn nổ dữ dội. Sau khi hạ cánh, đồng chí Nha dùng vô tuyến điện của máy bay thông báo rành rọt cho đoàn máy bay IL-14 bay sau tình hình khí tượng, đường băng sân bay, những chỗ bị đạn pháo phá hỏng. Đoàn máy bay IL-14 hạ cánh an toàn, kịp thời mang tới cho bộ đội hàng chục tấn súng đạn và lương thực, có cả dàn pháo chống tăng để chuẩn bị đánh bại các cuộc phản kích quyết liệt của địch.
Những chuyến hạ cánh ở Sầm Nưa, Cánh Đồng Chum đã rút được nhiều kinh nghiệm cho những cuộc hạ cánh bí mật táo bạo sau này ở sân bay Sê Pôn vùng Hạ Lào. Bộ đội không quân vận tải còn hạ cánh xuống nhiều sân bay cao nguyên hiểm trở khác của Thượng Lào và Hạ Lào. Trong chiến dịch Nậm Thà, chiến dịch giành thắng lợi có ý nghĩa quyết định với chiến tranh cách mạng Lào, bộ đội không quân vận tải Việt Nam đã góp phần xứng đáng với lời khen ngợi của Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Tổng tham mưu trưởng thời đó: “Lực lượng không quân ta còn non trẻ, nhưng đã góp phần nhiều khi có tác dụng như là quyết định đối với chiến trường về mặt tiếp tế, vận chuyển”.
VŨ THÀNH
Ngày 9-8-1960, sĩ quan và binh lính yêu nước Lào do đại úy Coong-le chỉ huy làm đảo chính, lật đổ chính phủ phản động cực hữu. Ngày 14-8 năm đó, nhà vua Lào ban sắc lệnh bổ nhiệm Hoàng thân Xu-va-na Phu-ma lập Chính phủ mới. Sau đó, Quốc hội Lào với đa số phiếu thuận đã thông qua thành phần Chính phủ mới do Hoàng thân Xu-va-na Phu-ma làm Thủ tướng.
Tập đoàn phản động cực hữu Lào do tướng Phu-mi Nô-xa-vẳn cầm đầu âm mưu đánh chiếm lại thủ đô Viêng Chăn, hòng tiêu diệt lực lượng yêu nước, phá vỡ đoàn kết, hòa hợp dân tộc. Hoàng thân Xu-va-na Phu-ma, Thủ tướng Chính phủ hợp hiến vương quốc Lào đến gửi công hàm cho Chính phủ Liên Xô và Chính phủ ta đề nghị chi viện cho cuộc chiến đấu của nhân dân các bộ tộc Lào. Thể theo yêu cầu đó, Liên Xô quyết định phối hợp với Việt Nam lập cầu hàng không Liên Xô-Việt Nam-Lào.
Cuối thu 1960, đoàn không quân vận tải Liên Xô với 44 máy bay các loại đến hạ cánh sân bay Gia Lâm và Cát Bi. Thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, Việt Nam không những bảo đảm tốt cơ sở vật chất, kỹ thuật dưới đất cho cầu hàng không Liên Xô-Việt Nam-Lào mà còn đưa quân tình nguyện sang chiến đấu bên cạnh quân và dân các bộ tộc Lào anh em. Không quân vận tải còn rất non trẻ của ta, mới thành lập hơn một năm, cũng được huy động sang giúp Lào. Để chuẩn bị cho các lực lượng yêu nước, hòa bình, trung lập an toàn rút khỏi Viêng Chăn, tiến về giải phóng địa bàn chiến lược Cánh Đồng Chum, Bộ chỉ huy liên quân quyết định tổ chức lực lượng từ phía bắc tiến xuống phối hợp với mũi Viêng Chăn rút ra hình thành thế gọng kìm bao vây và đánh chiếm căn cứ địch ở Cánh Đồng Chum. Vấn đề cấp bách là phải nhanh chóng đưa sư đoàn Chiến Thắng đang xây dựng kinh tế ở Điện Biên Phủ sang tập kết tại Sầm Nưa để hiệp đồng tác chiến với bộ đội Pa-thét Lào. Bộ ra lệnh cho không quân khắc phục khó khăn, tổ chức không vận nhanh chóng Sư đoàn Chiến Thắng đến sân bay Sầm Nưa.
Sân bay Sầm Nưa do quân đội Pháp xây dựng chỉ có một đường băng đất cấp phối, ngắn, hẹp, bỏ hoang lâu năm. Tình hình sân bay ra sao, hạ cánh từ hướng nào không một ai nắm được. Tìm hồ sơ của không quân Pháp bỏ lại chỉ biết một vài điều sơ lược. Đó là sân bay đất, nằm trên độ cao hơn 500m so với mực nước biển, chung quanh là núi cao, vực sâu. Hạ cánh ở một sân bay mà các số liệu không biết chính xác, cụ thể, tịnh không hạn chế, trong khi đội bay còn ít kinh nghiệm là một việc làm mạo hiểm. Nhưng tình thế cấp bách, lãnh đạo và chỉ huy không quân quyết định cử một tổ bay tăng cường, kỹ thuật khá, bay đến thị sát và hạ cánh thử để trinh sát thực địa.
Sau khi nhận lệnh, trung đoàn không quân vận tải 919 liền cử tổ bay Nguyễn Doạt-Lê Nha. Đồng chí Doạt làm cơ trưởng, đồng chí Nha phụ lái, cả hai đều là phi công lái chính vừa được phê chuẩn tiêu chuẩn bay 300/3000 (tức hạ cánh với trần mây 300m tầm nhìn 3km).
7 giờ sáng ngày 11-12-1960, chiếc máy bay Li-2, số hiệu 198 cất cánh, nhằm thẳng hướng tây. Hơn một giờ sau, bay đến vùng trời Sầm Nưa, đồng chí Doạt lượn một vòng tìm sân bay. Toàn tổ căng mắt tìm kiếm. Hai đồng chí Doạt và Nha cùng một lúc phát hiện một vệt đất màu vàng nhạt trên một quả núi đất, trông chẳng khác gì một đoạn đường cụt. Đồng chí Doạt mở rộng vòng lượn, quan sát, không thấy nơi nào có vệt đất màu vàng như thế. Hoa tiêu Hoàng Cầm, kỹ thuật rất khá, khẳng định: đây là đường băng sân bay Sầm Nưa. Theo phương án được duyệt, đồng chí Doạt, có đồng chí Nha trợ giúp, cho máy bay hạ thấp dò độ cao thực tế của núi. Nhưng hạ đến độ cao 500m so với thực tế thì hoàn toàn bị núi che khuất, không còn nhìn thấy đường băng nữa. Núi đồi như bát úp dưới cánh bay. Phải lách qua một mỏm núi, đồng chí Doạt mới nhìn thấy đường băng. Anh liền vòng phải, đối chuẩn với đường băng từ hướng đông. Nhưng vừa cân bằng máy bay, đồng chí Nha đã chỉ cho anh một mỏm núi chắn ngang đường lướt xuống. Lại một lần nữa phải mạo hiểm lách núi. Lách xong, đồng chí Doạt thấy một đường băng hẹp và ngắn nhưng có một cái vực khá sâu chắn ngay ở đầu mút cuối đường băng. Anh phân vân, hạ cánh thành hay bại không chỉ là an toàn của tổ bay mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến toàn cục cuộc chiến đấu, rồi quyết hạ cánh bằng được! Qua vòng tay lái điều khiển, anh hiểu đồng chí Nha cũng rất quyết tâm. Vì phải tránh mỏm núi, nên góc lướt xuống hơi lớn, tốc độ tăng. Đồng chí Nha kịp thời phát hiện nhắc đồng chí Doạt giảm ngay cửa xăng, đồng thời đạp lái hướng làm trượt cạnh để giảm tốc độ. Bốn bề đều là đồi núi, đường băng như nằm lọt trong cái chảo lớn. Càng lướt xuống thấp, đồng chí Doạt càng nhận ra một điều khắc nghiệt: địa hình này chỉ cho phép hạ cánh một lần chính xác, không thể bay lên hạ cánh lần thứ hai vì có dãy núi khá cao chắn phía trước. Chỉ sơ sảy một chút, tiếp đất quá sâu, máy bay không thể tránh khỏi đâm xuống lòng vực. Áp lực ấy buộc đồng chí Doạt phải dồn hết tâm sức vào lấy tầm hạ cánh sao cho chính xác. Mặt đất dâng lên vùn vụt. Bình tĩnh và tự tin, đồng chí Doạt thu cửa ga. Máy bay như con đại bàng sà xuống, ba bánh chạm mặt đường băng, chỗ gần giáp mút. Đây mới là thành công bước đầu, cự ly đường băng còn lại liệu có đủ để hãm máy bay dừng lại trước miệng vực không? Anh liên tục phanh. Bỗng máy bay lạng sang bên trái, chúc xuống rồi chồm lên dữ dội. Đồng chí Doạt vừa phanh vừa đạp lái giữ hướng. Vượt qua cái rãnh khá rộng cắt ngang đường bay rồi máy bay lại lao về phía cuối đường băng. Bờ vực còn không xa. Anh phanh gấp khi thấy tốc độ chạy trượt đã giảm. Chiếc máy bay miễn cưỡng rùng mình dừng lại sát bên bờ vực. Toàn tổ bay hú vía!
Không nghỉ, toàn tổ phân nhau lao ngay vào đo đạc, trinh sát thực địa. Đường băng có đoạn chỉ rộng có 20m. Cái rãnh cắt ngang đường băng là con suối nhỏ đã cạn. Nhiều năm sân bay bị bỏ hoang, nước mưa làm xói lở, sập mất cống. Họ đang mải mê công việc thì có một ông già, tóc bạc trắng, chạy lại nhìn anh em chằm chằm rồi kêu lên sửng sốt:
- Giàng ơi! Đúng là phi công Việt Nam rồi! Không ngờ các anh lại hạ xuống được từ đầu đông có núi cao. Lão làm công chính ở đây mấy chục năm, chỉ thấy tàu bay Tây nó hạ xuống từ đầu tây núi thấp hơn mà thôi!
Đoạn ông cụ chỉ cho anh em xem 26 xác máy bay Pháp nằm chềnh ềnh dưới chân núi, lòng vực vì tai nạn hạ cất cánh. Những số liệu đo đạc trinh sát thực địa cùng kinh nghiệm bay thử mở đường của tổ bay Doạt-Nha được đưa ngay vào phương án kế hoạch không vận Sư đoàn Quyết Thắng.
Ngày hôm sau, đội công tác bảo đảm sân bay và điều hành không lưu được điều đến sân bay Sầm Nưa. Được cán bộ, học sinh, nhân dân thị xã Sầm Nưa và đồng bào dân tộc các bản làng xung quanh hăng hái giúp sức, đội bảo đảm sân bay đã sửa sang lại đường băng và san lấp xong cái rãnh cắt ngang đường băng chỉ trong có hai ngày.
Sân bay vừa báo tiếp thu, phân đội Li-2 của trung đoàn không quân 919 lập tức nối đuôi nhau cất cánh bay đến Điện Biên Phủ lấy quân rồi hướng đến Sầm Nưa. Lệnh chuyển quân bằng đường không vừa ban xuống, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn Chiến Thắng reo lên mừng rỡ.
Hai ngày đầu, phân đội Li-2 liên tục hạ cánh an toàn 60 lần/chiếc chuyển quân đến Sầm Nưa. Sau đó, đoàn không quân vận tải Liên Xô có tham gia để đẩy nhanh tốc độ chuyển quân nhưng bạn không nhất trí với ta kiểu bay lách núi và hạ cánh xuống sân bay Sầm Nưa mà vẫn dùng kỹ thuật hạ cánh theo vòng lượn chính quy nên đã xảy ra tai nạn. Một chiếc Li-2 đâm xuống suối do tiếp đất hạ cánh quá sâu, chạy bon đến hết đường băng vẫn không hãm lại được. Bạn không tiếp tục hạ cánh xuống sân bay Sầm Nưa nữa và khuyên ta không nên dùng Li-2 hạ cánh xuống Sầm Nưa. Do yêu cầu cấp bách của chiến trường, phân đội Li-2 của ta vẫn kiên quyết tiếp tục thực hiện 124 lần/chiếc hạ cánh chuyển quân đến Sầm Nưa an toàn. Cuộc chuyển quân thành công đã tạo nên mũi tiến công mạnh từ phía bắc cho chiến dịch tiến công thắng lợi Cánh Đồng Chum.
3 giờ sáng ngày 1-1-1961, Cánh Đồng Chum được giải phóng. 8 giờ sáng trong ngày, tổ bay Li-2 trinh sát mở đường do đồng chí Lê Nha làm cơ trưởng đã hạ xuống sân bay Cánh Đồng Chum giữa lúc sân bay đang ngùn ngụt khói lửa, xe pháo địch ngổn ngang bên cạnh đường băng, mùi thuốc súng khét lẹt xộc vào buồng lái. Và đâu đó khá gần, súng vẫn nổ dữ dội. Sau khi hạ cánh, đồng chí Nha dùng vô tuyến điện của máy bay thông báo rành rọt cho đoàn máy bay IL-14 bay sau tình hình khí tượng, đường băng sân bay, những chỗ bị đạn pháo phá hỏng. Đoàn máy bay IL-14 hạ cánh an toàn, kịp thời mang tới cho bộ đội hàng chục tấn súng đạn và lương thực, có cả dàn pháo chống tăng để chuẩn bị đánh bại các cuộc phản kích quyết liệt của địch.
Những chuyến hạ cánh ở Sầm Nưa, Cánh Đồng Chum đã rút được nhiều kinh nghiệm cho những cuộc hạ cánh bí mật táo bạo sau này ở sân bay Sê Pôn vùng Hạ Lào. Bộ đội không quân vận tải còn hạ cánh xuống nhiều sân bay cao nguyên hiểm trở khác của Thượng Lào và Hạ Lào. Trong chiến dịch Nậm Thà, chiến dịch giành thắng lợi có ý nghĩa quyết định với chiến tranh cách mạng Lào, bộ đội không quân vận tải Việt Nam đã góp phần xứng đáng với lời khen ngợi của Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Tổng tham mưu trưởng thời đó: “Lực lượng không quân ta còn non trẻ, nhưng đã góp phần nhiều khi có tác dụng như là quyết định đối với chiến trường về mặt tiếp tế, vận chuyển”.
VŨ THÀNH
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét